PNO – Lựa chọn một ngành nghề nghĩa là lựa chọn một tương lai. Thế nhưng, không ít các bạn trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng trước nghề nghiệp mà mình lựa chọn. Xoay quanh vấn đề này, tiến sĩ chuyên ngành xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện TP.HCM) đã có những chia sẻ.
Phóng viên: Nhiều bạn trẻ nói rằng mình không có ước mơ, các em không biết lựa chọn ngành nghề gì, đăng ký trường nào, đại đa số lựa chọn theo số đông và sự định hướng của gia đình, tiến sĩ suy nghĩ gì về điều này?
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Có rất nhiều người dành ra rất nhiều thời gian trong đời để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Ước mơ của bạn là gì?”, bởi họ không định hình được bản thân muốn gì, có thể làm những công việc gì và năng lực của mình tới đâu. Cũng rất nhiều đứa trẻ đã bị chính cha mẹ chúng vô tình dập tắt khả năng mơ ước ngay từ khi còn nhỏ hoặc trong quá trình lớn lên, khiến chúng không còn dám mơ nữa.
Cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con, nhưng mấy bậc phụ huynh có thể ngồi lại để lắng nghe con thật sự muốn gì. Trong khi đứa trẻ nào cũng có năng lực riêng, sở thích riêng, nhu cầu riêng cần được lắng nghe, tôn trọng. Cha mẹ chỉ nên là người tư vấn, phân tích cho con những cơ hội nghề nghiệp liên quan để con nhìn ra được thực tế về công việc đó ra sao. Phụ huynh không thể sống thay con, cũng đâu thể chịu thay con những áp lực, những tiêu cực khi con không được chọn đúng ngành nghề mà mình mơ ước.
* Và nhiều phụ huynh vì từng không thể thực hiện được những gì mình mơ ước đã áp đặt cả ước mơ của họ lên con cái?
– Điều gì sẽ xảy ra khi con dành cả thanh xuân để thực hiện ước mơ của cha mẹ mà không thể thực hiện được đam mê của mình? Những đứa trẻ sẽ không thể nào sống hạnh phúc và biết đâu cuộc đời chúng rồi sẽ lại giống cuộc đời của phụ huynh mình, là theo đuổi giấc mơ của người khác.
* Có ý kiến cho rằng, thời đại này làm sao sống theo ước mơ được nếu đam mê không nuôi sống được bản thân…
– Khi lựa chọn một ngành nghề, một công việc, bạn nên xem xét 4 yếu tố: sở thích, năng lực, nhu cầu xã hội và điều kiện gia đình…
Có rất nhiều bạn trẻ chỉ cần làm đúng nghề mà mình thích, đúng đam mê của bản thân và ở mức độ đủ sống là đã cảm thấy hạnh phúc, vì thế chúng ta hãy quan tâm đến nhu cầu của con trẻ, hãy để trẻ tự vấp ngã, tự đứng lên để trưởng thành.
Tôi đã từng tư vấn cho trường hợp của một phụ huynh nhờ tôi gỡ rối. Hai mẹ con bắt đầu mâu thuẫn khi con vào lớp 11. Cháu nhất định chọn nghề nhiếp ảnh và thể hiện niềm đam mê bằng cách vác máy ảnh đi chụp khắp nơi. Thế nhưng mẹ cháu lại cật lực phản đối. Cháu cũng chấp nhận chọn trường theo gợi ý của gia đình nhưng đến trường như một cực hình. Nhìn con như vậy, mẹ cháu vô cùng khổ tâm nhưng không thay đổi quyết định.
Chúng ta vô tình quên mất với con, việc lăn lê bò toài hay mình mẩy lấm lem khi chụp ảnh không phải là khổ, mà là niềm vui và cháu thấy cuộc sống ý nghĩa khi được “vất vả” như thế. Vậy thực sự cha mẹ muốn con mình có một cuộc sống hạnh phúc theo sự lựa chọn của con hay sống một cách an toàn và tẻ nhạt? Xin cha mẹ hãy đồng cảm, tin tưởng cho những ước mơ, đam mê của con. Các cháu cần sống cuộc đời của chính mình và tự lựa chọn niềm vui.
Sau khi trúng tuyển nguyện vọng vào một số ngành học, trường đại học, nhiều bạn trẻ đang hoang mang trước cơ hội lựa chọn nghề nghiệp |
* Với các bạn trẻ đang còn hoang mang với định hướng nghề nghiệp của mình thì sao, thưa tiến sĩ?
– Hãy tìm hiểu rõ bản thân bạn, bạn phải biết mình là ai, có sở trường và năng lực thế nào và bạn muốn làm gì. Ngành nghề mà các bạn chọn phải đáp ứng 4 yếu tố như đã nói ở trên.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ phải mở rộng lòng mình để nghe tư vấn, nghe lời khuyên từ người lớn để có cái nhìn đa chiều và thu thập thêm thông tin, có đủ thông tin chúng ta mới quyết định chính xác.
Mỗi người đều có quyền tự quyết cho cuộc đời mình, phải tự tin và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Không ai có thể sống thay bạn.
Thu Hiền (thực hiện)
Theo Báo Phụ nữ Online