PNO – Thay vì để con cái được sống với ước mơ của mình, tôn trọng đam mê và khả năng của chúng, nhiều bậc cha mẹ lại áp đặt con cái thành công theo cách của mình, vô tình biến những đứa trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết trở nên thấy mình… vô dụng.
Từ kỳ vọng… đến thất vọng
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học gia đình, ngay từ khi người mẹ đang mang thai, trong tâm trí của họ đã xuất hiện hình ảnh của “đứa con tưởng tượng”.
“Đứa con tưởng tượng” này thường được cha mẹ kỳ vọng trở thành người thực hiện những ước mơ, hoài bão còn dang dở của họ, hoặc chúng trở thành một con người mà họ khao khát. Và trong quá trình “ôm mộng” đó, họ cũng lên một kế hoạch nuôi dạy đứa trẻ theo cách riêng của mình, dọn sẵn con đường tương lai họ cho là tốt nhất, mà không cần quan tâm đứa trẻ thật sự có năng lực gì. Vì thế khi đứa trẻ ra đời, vô tình trẻ bị áp đặt phải đi đúng con đường mà cha mẹ đã định sẵn.
Nếu may mắn, đứa trẻ có tài năng “khớp” với kỳ vọng của cha mẹ thì thật đáng mừng. Nhưng oái ăm là đứa trẻ trong tưởng tượng và đứa trẻ được sinh ra luôn khác biệt. Từ đó, dẫn đến trẻ không được sống với đam mê của chúng, và nhiều tiềm năng không được nuôi dưỡng… Chưa kể, trẻ lớn lên cùng với áp đặt, tích tụ những tổn thương lâu dài, sẽ là tiền đề cho những rối loạn tâm lý về sau.
P.T. được giới thiệu đến tham vấn tâm lý, vì gần đây em không tập trung vào việc học. Ở trường, giờ học nào em cũng lấy tập ra ngồi vẽ, kể cả trong môn học mà em rất yêu thích, bất chấp giáo viên dọa sẽ thông báo đến gia đình.
Mẹ của T. cũng phàn nàn, trước em rất ngoan hiền, cha mẹ nói gì cũng nghe theo, nhưng gần đây em hay cáu gắt, cãi lại cha mẹ, có khi còn đánh cả em trai mình. Đặc biệt, những lúc học thêm tại nhà, em thường tức giận vô cớ. Mỗi lần như vậy, em sẽ bỏ vào nhà vệ sinh hơn nửa tiếng…
Trong mắt gia đình, thầy cô, bạn bè, P.T. từ một đứa trẻ lễ phép, hoạt bát, học giỏi… phút chốc trở thành con người hư hỏng không rõ nguyên nhân. Riêng P.T., em cảm nhận về bản thân mình là một đứa trẻ thất bại.
T. kể, em thích vẽ và mơ ước của em là trở thành họa sĩ, nhưng mẹ em – phó giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thì mong muốn con mình trở thành một doanh nhân như bà, hoặc ít nhất là một nhà ngoại giao. Để hiện thực hóa ước mơ của mình, đầu năm lớp Mười, bà chuyển con từ trường công sang một ngôi trường quốc tế. Bà cũng cấm tuyệt con vẽ vời. Bao nhiêu cọ, màu, tranh của con, bà đem vứt hết.
Uất ức và tổn thương trong P.T. dồn nén chất chồng theo những cấm đoán, áp đặt của mẹ. Lâu dần, những đau đớn về tinh thần khiến em không chịu đựng được nữa, em rạch tay chân mình để tìm cảm giác thoải mái.
Em kể, những buổi học thêm, em cảm giác mình đang bị tra tấn, bức bối, chỉ muốn gào thét thật to. Em bèn vào nhà vệ sinh rạch tay để bình tĩnh trở lại. Gần đây, để gia đình không phát hiện từ rạch tay, chân, em chuyển sang rạch bụng, đùi. Phía bụng dưới của em chi chít những vết sẹo chồng chéo lên nhau.
B.N. cũng là nạn nhân của “đứa con tưởng tượng”. Em sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, mẹ em khao khát trở thành nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, nhưng ước mơ của bà chỉ dừng lại ở vị trí một giáo viên dạy nhạc. Vì thế bao nhiêu khát vọng bà đặt hết lên đôi vai của cô con gái nhỏ. Ngay từ lúc lên hai, em đã bắt đầu làm quen với cây đàn piano, đến ba tuổi thì đã phải thuộc lòng các nốt nhạc La, Si, Đô, Rê, Mi, Fa, Son…
Đến năm lớp Tám, em nhận ra mình không yêu thích con đường nghệ thuật, và càng không muốn trở thành một nghệ sĩ. Ước mơ của em là trở thành hướng dẫn viên du lịch, em thích được đi đây đó, tìm hiểu lịch sử cội nguồn, và khám phá thế giới. Từ đó, những buổi học đàn đối với em như một cực hình. Nhưng “cô giáo mẹ” với “cặp mắt hình viên đạn” khiến em không thể làm gì khác hơn là vừa đàn vừa khóc. Hình ảnh đó kéo dài suốt một năm trời, nhưng mẹ em vẫn không bận tâm, thậm chí còn la mắng, chì chiết em.
Đều đặn mỗi buổi tối, âm thanh của những bản nhạc buồn lại vang lên cùng với tiếng khóc thút thít của cô con gái nhỏ. Căng thẳng kéo dài khiến em bị mất ngủ trầm trọng, em lao vào game ngày đêm, bất chấp những cơn thịnh nộ của cha mẹ. Em tâm sự, em muốn trả thù gia đình bằng cách trở thành một đứa trẻ hư hỏng như trộm cắp, đánh nhau, bỏ học…cho gia đình và dòng họ phải nhục nhã, xấu hổ.
|
Hãy cho trẻ được tự do
Trẻ em cần được chấp nhận như trẻ vốn có, từ giới tính, năng lực cho đến đặc điểm tính cách. Cha mẹ phải chấp nhận con cái, bởi vì con là chính con chứ không phải là những thứ mà con làm cho cha mẹ vui.
Nhưng ngày nay, nhiều bậc cha mẹ lại yêu thương con bằng điều con làm được hơn là chính trẻ, để rồi khi đứa trẻ không như kỳ vọng thì chỉ trích, chê bai, tỏ ra thất vọng, khiến đứa trẻ cảm thấy mặc cảm tội lỗi và vô dụng.
Như P.T. với hành vi tự hại để giải thoát cảm giác đau đớn và vô dụng của mình, hay B.N. chỉ muốn trả thù gia đình vì không được sống theo đam mê của bản thân. Đó cũng chính là căn nguyên khởi phát các rối loạn tâm lý ở trẻ như: rối loạn lo âu, trầm cảm…
Mỗi con người sinh ra đều có một năng lực riêng, và năng lực đó hình thành nên đam mê và sứ mệnh riêng của mỗi người. Vì thế hãy để cho trẻ được là chính trẻ, được tự do sống với đam mê của mình, đừng bóp chết tiềm năng của trẻ từ chính sự kỳ vọng của gia đình. Cha mẹ chỉ nên là người đứng phía sau nâng đỡ và ủng hộ con trẻ thực hiện giấc mơ của chúng.
Linh Giang
Theo Báo Phụ Nữ Online