Đây là một bức thư của một người cha gửi cho con trai của mình có nhan đề là: “Làm cha nên nhớ…”.
Con ơi! Con ngủ, má đỏ kề tay, tóc mây dính trên trán. Cha mới lén vào phòng con… Cha muốn thú tội với con: lúc nãy khi đọc báo bên phòng sách đợt sóng hối hận xâm chiếm tâm hồn cha. Cha đã hơi nghiêm khắc với con hôm nay. Sáng ngày, trong khi con sửa soạn sách vở đi học, cha đã rầy con chỉ vì con quệt chiếc khăn ướt lên đầu mũi con thôi, cha đã mắng con vì giầy con không đánh bóng, cha đã la con khi con ném đồ chơi của con xuống đất. “Trong lúc điểm tâm cha lại khiển trách con nữa: con đánh đổ sữa, con nuốt vội mà không nhai, con tỳ khuỷu tay lên bàn, con phết bơ lên bánh nhiều quá… Khi đi, con quay lại chào cha: “Thưa cha, con đi!” và cha đã cau mày: “Ngay người lên!”. “Buổi tối, khi đi làm về, cha thấy con đang chơi bi ngoài đường, đầu gối quỳ xuống đất, tất rách hở cả chân. Cha đã làm nhục con trước mặt bạn bè, bắt con đi trước mặt cha đến tận nhà… “Tất đắt tiền, nếu mày phải bỏ tiền ra mua, mày mới tiếc của mà giữ gìn nó!” (Con thử tưởng tượng xem, có ai là cha mà lại mắng con như vậy không?). “Rồi con nhớ không? Tối đến, trong khi cha đọc sách, con rón rén vào phòng cha. Cha ngừng lên, giọng bất bình hỏi: “Cái gì?”. “Con không trả lời gì hết, nhưng trong một lúc xúc động không nén lại được, con chạy lại, bá cổ cha, ôm cha với tình yêu thương mà trời phật đã làm nảy nở trong lòng con, mà sự lạnh lùng của cha đã không làm nó héo hon được… Rồi thì con lại chạy lên cầu thang.
Con ạ! Chính cái lúc đó quyển sách ở trên tay cha rớt xuống và một nỗi sợ ghê gớm xâm chiếm tâm hồn cha. Cái thói hay chỉ trích, trách mắng đã làm cho cha thành như vậy đó: thành một người cha gắt gỏng. Cha đã phạt con vì con còn quá trẻ con mà cha bắt con làm như người lớn. Không phải cha không thương con đâu, nhưng cha đã đòi hỏi ở một đứa trẻ như con nhiều quá, cha đã xét con theo gần bốn mươi năm kinh nghiệm sống của cha.
Mà tâm hồn của con đại lượng, cao thượng, trung thực biết bao! Trái tim của con tuy nhỏ bé mà mênh mông biết bao. Chỉ một sự hăm hở tự nhiên chạy lại hôn cha trước khi đi ngủ cũng đủ chứng minh điều đó. Thôi, cha con mình quên những chuyện khác đi… Tối nay cha hối hận lắm, ngồi nép bên giường con.
Cha biết nếu con có nghe những lời cha nói với con đây thì con cũng chẳng hiểu gì nhưng ngày mai, con sẽ thấy, cha sẽ thật sự là một người cha; cha sẽ là bạn của con, khi con cười cha sẽ cười, khi con khóc cha sẽ khóc. Và nếu cha có muốn trách mắng con thì cha sẽ mím chặt môi, và sẽ lặp đi lặp lại rằng:
– Con chỉ là một đứa trẻ con… một đứa trẻ con!
Cha có lỗi, cha đã coi con như người lớn. Bây giờ nhìn con nằm trên giường, mỏi mệt, trơ trọi, cha biết rõ rằng con chỉ là một đứa trẻ con.
Mới hôm qua, con còn nằm trong tay mẹ, ngả đầu trên vai mẹ con… Cha đã đòi hỏi con nhiều quá, nhiều quá lắm…”.
Livingstone Larnod.
Bạn thân mến!
Cha mẹ luôn thương con cái và mong muốn cho chúng nên thân nên người. Vì thế các bậc cha mẹ luôn lo lắng dạy dỗ chỉ bảo con cái. Nhưng nhiều khi cách dạy bảo lại không đúng và vô tình làm tổn thương đến con cái.
Hãy học cách mở lòng ra để đón nhận những thiếu sót của tuổi trẻ để không phải ân hận.
Nghe đọc chuyện: