Tạ Ngạn Ba, sinh năm 1966 tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Anh từng đậu vào trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc khi chỉ mới 11 tuổi.
Năm 15 tuổi, anh theo học thạc sĩ và năm 18 tuổi đã có bằng. Tạ Ngạn Ba được tuyển vào Đại học Princeton và lạc quan sẽ có bằng tiến sĩ trước tuổi 20. Anh nhận được nhiều sự kỳ vọng từ người thân về việc đoạt giải thưởng Nobel với các nghiên cứu khoa học của mình.
Tuy nhiên, mọi thứ tan vỡ. Tạ Ngạn Ba gặp vấn đề với người hướng dẫn của mình ở Princeton (trước đó anh cũng đã gặp vấn đề với thầy ở Trung Quốc). Tính cách của Tạ tự mãn khiến giáo viên khó lòng chấp nhận. Mối quan hệ thầy trò trở nên căng thẳng, Ngạn Ba đã bị nghi ngờ sẽ gây nguy hiểm cho người khác nên bị trục xuất về nước.
Rõ ràng, sự thông minh của Tạ Ngạn Ba là điều không ai có thể phủ nhận nhưng thần đồng này có một khuyết điểm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình đó là anh không biết cách hòa đồng với mọi người, từ lúc học tiểu học đến lúc vào đại học. Từ nhỏ, cậu bé này đã không thích tiếp xúc và nói chuyện với người khác nên không có một người bạn nào chơi với mình.
Anh vẫn là một người có năng lực và trở thành giảng viên đại học sau đó. Anh cũng như bao người là cưới vợ rồi sinh con nhưng vì không biết cách hòa đồng và giao tiếp khiến xung quanh anh không muốn ai lại gần, kể cả con trai mình. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông tiết lộ rằng Ngạn Ba có “vấn đề tâm lý”.
Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý khẳng định, trí thông minh siêu đẳng của các thần đồng đôi khi trở thành vật cản. Nhiều người trong số họ có chỉ số IQ cao nhưng trí tuệ cảm xúc (EQ) lại rất thấp so với độ tuổi thực. Trong khi hiện nay, ngoài sự thông minh và thành tích, trí tuệ cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Trên thực tế, chỉ số này là 1 trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của con người.
Ngạn Ba là thần đồng vì đã vào đại học từ năm 11 tuổi nhưng ở thời điểm đó, dù học hành giỏi giang như thế nào thì tâm sinh lý của cậu vẫn là của một đứa trẻ học lớp 5. Người thân đã quá quan tâm vào việc giúp anh trau dồi khả năng học tập mà quên mất rằng những kỹ năng mềm khác cũng cần được chỉ dạy, trong đó có kỹ năng quản lý cảm xúc để có thể giao tiếp, hòa đồng với những người xung quanh.
EQ là tên viết tắt của Emotional Quotient, được định nghĩa là khả năng của một người trong việc xác định, thể hiện và kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc của chính mình và của người khác. Nó là thước đo mức độ về trí tuệ cảm xúc của một cá nhân. EQ sẽ là nhân tố quyết định để định hướng suy nghĩ và hành vi của một cá thể.
Yếu tố về môi trường sống, giáo dục đều có tác động nhiều đến việc phát triển EQ của con trẻ. Chính vì vậy mà ngay từ những tháng đầu đời, bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến biểu hiện cảm xúc của con trong sinh hoạt hằng ngày.
Hãy thể hiện tình cảm, cảm xúc của bản thân đối với trẻ để trẻ có thể cảm nhận và thấu hiểu. Khi trẻ làm điều gì đó tích cực, cần dùng những lời khen ngợi đúng mực đi đôi với cảm xúc hài lòng. Với những hành động chưa phù hợp, cha mẹ cần giảng giải nhẹ nhàng, không nên quá giận dữ để trẻ vừa nhận thức được lỗi của mình nhưng cũng học được cách bộc lộ cảm xúc.
Ở nhà, bạn hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở, gần gũi, lắng nghe cảm xúc mà trẻ thể hiện để các con học cách kết nối và trao đổi thông tin với người khác, đồng thời dần hình thành thái độ tôn trọng, đồng cảm đối với họ. Đặc biệt, cần tránh áp đặt suy nghĩ khi nói chuyện cùng con. Nếu bạn có ý kiến trái chiều, hãy cùng con phân tích đúng sai và cùng con giải quyết vấn đề. Khi trẻ được tiếp xúc với nhiều quan điểm, chúng trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ, và dễ chấp nhận, khoan dung hơn với người khác cũng như với bản thân.
Không để cảm xúc tác động vào khả năng tập trung
Khi bạn hiểu và có khả năng kiểm soát các phản ứng cảm xúc của chính mình, bạn sẽ ít bị thay đổi tâm trạng trước các tình huống gây khó chịu. Bạn giữ được bình tĩnh và dùng lý trí để tập trung vào những việc quan trọng thay vì để cơn giận lôi kéo mình đi.
Quản lý căng thẳng và tự chăm sóc bản thân
Những người có trí tuệ cảm xúc tốt biết được giới hạn của bản thân, và nhận ra đâu là lúc họ nên dừng lại nghỉ ngơi trước khi nổi cáu vì áp lực công việc.
Hợp tác tốt với cộng sự
EQ giúp bạn hiểu được cảm xúc của những người xung quanh, biết được điểm mạnh và yếu của mỗi người, cũng như lý do cho những phản ứng cảm xúc của họ. Từ đó, bạn trở nên bao dung và biết thích nghi tốt hơn, nhờ vậy hợp tác tốt hơn với đồng nghiệp, đặc biệt là trong môi trường làm việc nhóm.
Chấp nhận những góp ý
Trí tuệ cảm xúc còn giúp bạn tiếp nhận những phản hồi một cách bình tĩnh, không để cảm xúc chi phối trước những góp ý mang tính tiêu cực. Bên cạnh đó, bạn cũng biết cách góp ý cho người khác một cách khéo léo để chuyển tải thông điệp nhưng tránh làm mất lòng đối phương.
Pháp luật và Bạn đọc