giao hàng trong 24 giờ
trả lời trong vòng 1 giờ
Theo dõi:

Bạo lực học đường và niềm tin của trẻ con

2 Tháng Tám, 2020

Bạo lực học đường và niềm tin của trẻ con

Bạo lực học đường và niềm tin của trẻ con

PNO – Bạo lực học đường là vấn đề lớn, cần cách xử lý tinh tế của cả giáo viên và phụ huynh. Cách giải quyết dĩ hòa vi quý của thầy cô chỉ để lấp liếm vấn đề mà không thực sự giúp chấm dứt mâu thuẫn của học sinh.

Những ngày cuối năm học tất bật bài vở thi học kỳ II nhưng con trai tôi, hiện đang học lớp Hai tại trường song ngữ, vẫn không quên nhắc mẹ tìm trường khác cho con trong năm học tới. 

Bạo lực học đường

Khi hỏi lý do, con chỉ trả lời ngắn gọn: vì con không thích trường này nữa. Vài ngày sau, con lại hối thúc: “Mẹ đã tìm trường khác cho con chưa?”, “Mẹ đã đóng học phí trường con đang học cho năm tới chưa?”… Nghĩ rằng khi nhu cầu chuyển trường của con ngày càng lớn thì không còn đơn giản là sở thích bồng bột trẻ con nữa, nên tôi phải tìm hiểu kỹ. Lý do con đưa ra là ở trường hay bị các bạn bắt nạt, nhưng quy định ở trường là chỉ báo cáo với thầy cô mà không đánh lại. Nhiều lần, con báo cáo nhưng không được xử lý. Con kết luận: “Con không muốn học chung với các bạn hay bắt nạt con và cũng không còn tin vào thầy cô nữa”. 

Trước đó vài tuần, tôi bị cô chủ nhiệm gọi vào họp vì con trai đánh nhau ở trường. Ngay sau buổi họp, tôi đưa con đến gặp giáo viên và hỏi vì sao con đánh nhau thì nhận được câu trả lời: “Con không đánh nhau nhưng bạn đánh con, con tự bảo vệ”. Nghe vậy, cô giáo không đồng ý: “Nhà trường không phải nơi để các con đánh nhau. Bạn đánh con thì con không được đánh lại, phải đi báo để cô xử”. Con trai tôi trả lời cô giáo một cách rành mạch: “Nhiều lần con đi báo thầy cô nhưng không ai làm gì, con vẫn bị đánh. Con không thể tiếp tục đứng yên để bạn đánh nữa. Con cũng không tin thầy cô giải quyết được nên con tự giải quyết”.

Tuy nhiên, cô giáo vẫn không đồng ý với cách tự vệ bằng bạo lực. Cô yêu cầu con tôi và bạn nhỏ đã chủ động gây sự xin lỗi nhau. Dù xin lỗi bạn nhưng con tôi vẫn không ngừng thắc mắc với cô giáo: “Con không có lỗi, tự vệ là quyền chính đáng. Sao con cũng phải xin lỗi bạn?”. Cô giáo giải thích dù tự vệ nhưng con đã động tay chân và làm bạn đau, khi mình làm ai đau thì mình cần xin lỗi. Nhưng, lý lẽ của cô giáo vẫn không thuyết phục được con tôi. Trước khi ra về, con lại muốn giải thích để cô hiểu rằng con phải đánh lại bạn đau thì bạn mới tránh con ra, con đánh lại là để kết thúc chuyện này chứ không phải muốn gây sự.

Bạo lực học đường là vấn đề lớn, cần cách xử lý tinh tế của cả giáo viên và phụ huynh. Cách giải quyết dĩ hòa vi quý của thầy cô chỉ để lấp liếm vấn đề mà không thực sự giúp chấm dứt mâu thuẫn của học sinh.

Trong khi đó, bạo lực và bắt nạt trong trường học xảy ra khi những trẻ là nạn nhân luôn mãi nhún nhường, sợ sệt, trốn tránh nhóm bạn ỷ mạnh họp sức bắt nạt mình. Những trẻ hung hăng luôn chọn trẻ có tâm lý yếu đuối làm nạn nhân cho những trò đùa ác ý của mình. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của thầy cô, nhà trường mà chỉ đơn giản dạy trẻ tuân thủ “bất bạo động” và nói xin lỗi e rằng không phải là phương cách hiệu quả. Chưa kể, còn gây ra những tổn thương và gây mất niềm tin cho con trẻ nơi thầy cô của mình. 

Sau khi biết rõ lý do, vợ chồng tôi giải thích rằng chuyển trường không giúp giải quyết được vấn đề vì con có thể gặp các bạn bạo lực ở ngôi trường mới. Chúng tôi đã gặp ban giám hiệu để cùng tìm cách khắc phục. Là cha mẹ, chúng tôi không chọn cách bảo vệ con mình mù quáng, mà chọn là người dẫn đường để đưa con qua những khó khăn trong khi còn chưa đủ kỹ năng và khả năng giải quyết mọi thứ. 

Mong rằng thầy cô luôn tâm niệm giáo dục không đơn thuần là trang bị kiến thức, mà là tạo cảm hứng để học sinh có hứng thú học tập, đào sâu kiến thức, kể cả bên ngoài sách vở và tận hưởng từng ngày vui đến trường. 

Nhất Phương (theo Giáo dục việt Nam Online)